Chiều 28/09/2024, BGH kết hợp cùng Ban chấp hành công đoàn trường THPT Phương Sơn long trọng tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm học 2024-2025.
Sau phiên họp trù bị ngày 26/9/2024, Hội nghị chính thức được triệu tập với sự tham gia của 76/76 CBGVNV nhà trường.
Chủ trì hội nghị thầy Phạm Hùng – Hiệu trưởng nhà trường; thầy Ngô Văn Hiển – Chủ tịch CĐ trường; hội nghị cũng nhất trí cử Ban thư kí gồm thầy Hà Văn Huệ, cô Giáp Thị Thuỳ Dung để ghi chép biên bản hội nghị.
Mở đầu Hội nghị, đồng chí Ngô Văn Hiển nêu rõ chương trình, quy chế làm việc của hội nghị.
Tiếp theo, đồng chí Phạm Hùng – Hiệu trưởng nhà trường thay mặt BGH báo cáo thực hiện nghị quyết hội nghị CBCCVC năm 2023-2024 và trình bày kế hoạch, biện pháp thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025. Báo cáo đã tổng kết ngắn gọn một số thành tích đã đạt được trong năm học vừa qua đồng thời trình bày các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đầy đủ đối với cả ba khối 10, 11 và 12 năm học 2024-2025.
Đồng chí Vũ Chí Công – Trưởng ban thanh tra nhân dân báo cáo về hoạt động Ban thanh tra nhân dân. Báo cáo đã chỉ rõ các thành tích nhà trường đã đạt được trong năm học đ/c Vũ Chí Công cũng đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó biện pháp cho HS đăng kí thi đua công khai, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, động viên các em để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Thay mặt Ban thanh tra nhân dân đ/c Vũ Chí Công cũng tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ Thanh tra nhân dân 2022-2024.
Đ/c Ngô Văn Hiển chủ trì hội nghị bầu Ban thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2024-2026. Hội nghị đã thống nhất bầu tròn ba đ/c Vũ Chí Công, Hà Văn Huệ, Trần Thị Tân Hòa vào Ban thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2024-2026
Hội nghị đã nhận được 09 kiến tham luận đóng góp vào bản báo cáo thực hiện nghị quyết hội nghị CBCCVC năm 2023-2024 và bản kế hoạch, biện pháp thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025, trong đó trình bày trực tiếp tại hội nghị là 03 tham luận
Kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua, môn vật lí của Tỉnh Bắc Giang có điểm trung bình 6,93; trong đó môn Vật lí trường THPT Phương Sơn đạt điểm trung bình 7,525 đứng thứ 3 trong tỉnh. Để có được kết quả trên vừa là sự may mắn, vừa là sự nỗ lực của các em học sinh, của các thầy cô ôn tốt nghiệp, cũng như kế hoạch hợp lí của Ban giám hiệu nhà trường.
Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên thực hiện đồng bộ Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với tất cả các khối lớp ở các cấp học và cũng là năm học đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp THPT theo yêu cầu cần đạt của CT GDPT 2018. Thực hiện nhiệm vụ năm học, để nâng cao chất lượng bộ môn, đáp ứng yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình GDPT mới 2018, để đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao về chất lượng bộ môn từ nhà trường nhằm cụ thể hoá các mục tiêu mà báo cáo phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 đề ra, đại diện cho tổ Vật lí – KTCN cô Nguyễn Thị Thúy đóng góp tham luận : “Các giải pháp để nâng cao chất lượng bộ môn, đáp ứng yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình GDPT mới 2018.” Cô đã nêu rõ thực trạng và nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp, các kiến nghị với nhà trường, với sở GD&ĐT:
1. Phân tích để học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc học,từ đó tạo ra nhu cầu học tập, tinh thần ý thức tự giác, nghiêm túc, cố gắng hết mình trong học tập.
2. Lên kế hoạch ôn tập từ đầu năm học: Phân phối chương trình ôn tập theo chủ đề, xây dựng kế hoạch ôn tập cho giai đoạn ôn tốt nghiệp hợp lí.
3. Dù dưới bất cứ hình thức thi nào thì việc quan trọng nhất là ôn tập củng cố để học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu rõ bản chất cốt lõi của kiến thức trong từng chủ đề thông qua việc tóm tắt kiến thức, vẽ sơ đồ tư duy, làm đề. Thường xuyên kiểm tra việc học lí thuyết của các em bằng hình thức kiểm tra 10 phút đầu giờ, thường thì các thầy cô hay kiểm tra miệng nhưng với cách làm như vậy chỉ kiểm tra được rất ít học sinh nên chúng tôi hay làm bằng cách đưa ra câu hỏi giống kiểm tra miệng nhưng yêu cầu tất cả học sinh cùng viết ra giấy sau đó thu bài của một số học sinh hoặc cả lớp để chấm. Khi làm như vậy thì tất cả học sinh đều phải học và làm đồng thời có thể kiểm tra được nhiều học sinh hơn, làm học sinh sẽ phải tích cực học hơn nếu không muốn bị điểm kém.
4. Kiểm tra việc ôn tập kiến thức thường xuyên theo nhiều hình thức có thể kiểm tra tại lớp hoặc ở nhà. Khi kiểm tra tại lớp chia làm nhiều mã đề, coi kiểm tra nghiêm túc, dùng phần mềm chấm bằng điện thoại để chấm, phân tích kết quả để đánh giá đúng năng lực của học sinh từ đó phân chia đối tượng học sinh để giao bài về nhà cho phù hợp.
5. Tham gia các nhóm chuyên môn trên facebook,zalo để tham khảo, cập nhật, học tập các tài liệu, phương pháp hay, bổ ích.
6. Giai đoạn ôn tốt nghiệp là giai đoạn quyết định đến kết quả thi tốt nghiệp của các em, sau khi phân tích kĩ cấu trúc đề thi minh họa của Bộ cô đưa ra bước dạy trong giai đoạn này như sau:
– Bước 1: Ôn tập kiến thức cơ bản bám sát đề cấu trúc – phần này đặc biệt quan trọng với cả các em học lực trung bình để đạt 5 – 6 điểm, còn với các em khá giỏi nếu sai phần kiến thức cơ bản mà câu khó làm được thì điểm số cũng không cao.
– Bước 2: Cho học sinh luyện đề tại lớp theo đúng cấu trúc đề minh họa cho học sinh làm trong thời gian quy định để tạo áp lực cho các em về thời gian. Khi chữa đề thì tập trung chữa những câu ở mức nhận biết, thông hiểu và những câu vận dụng thấp, hoặc có thể chữa thêm những câu vận dụng cao có lời giải ngắn còn những câu đòi hỏi tư duy cao, áp dụng toán học dài dòng, phức tạp thì không chữa để tránh mất thời gian của cả lớp vì kiểu câu đó có rất ít HS nhớ được, với những câu như vậy giáo viên có thể chữa riêng cho học sinh ngoài giờ hoặc gửi đáp án cho các em để tham khảo.
– Bước 3: Giao đề về nhà theo đúng trúc đề thi 2025 cho học sinh và đưa ra quy định số câu hỏi tối thiểu phải làm được với từng lớp. Khuyến khích và khen ngợi các em làm được nhiều câu hơn và cho điểm khuyến khích các em khi làm được những câu khó, chữa bài tập về nhà vào buổi hôm sau hoặc gửi đáp án.
7. Bất kể bộ môn nào để đạt kết quả tốt cũng cần làm nhiều đề trong quá trình học cũng như trong giai đoạn nước rút (phấn đấu 40-45 đề vào giai đoạn 3). Do đó ngoài việc cho làm đề trực tiếp trên giấy tại lớp và ở nhà có thể kết hợp làm đề trực tuyến, đôn đốc các em làm bài, chấm và thông báo điểm kịp thời. Ghi chép điểm luyện đề của các em thường xuyên để theo dõi sự tiến bộ của các em, kết hợp với GVCN và phụ huynh, gặp riêng học sinh, nhắn tin riêng cho học sinh… nhắc nhở, đôn đốc, động viên, khen ngợi kịp thời để các em cố gắng hơn.
8. Hướng dẫn học sinh kinh nghiệm làm đề: Trong quá trình làm đề đọc kĩ, không
bỏ sót từ, đọc câu nào chắc câu đó, gạch chân các từ khóa quan trọng trong câu hỏi, phòng câu trả lời na ná giống nhau, học sinh dễ nhầm. Do đặc thù của môn thi trắc nghiệm, không nên mất quá nhiều thời gian vào 1 câu hỏi, đánh dấu các câu chưa làm ra đầu câu để có thể quay lại làm sau, tránh bỏ sót câu, luôn hết sức cẩn thận khi làm bài thi, tránh sai sót đáng tiếc.
Thầy Nguyễn Tiến Thành trình bày tham luận “Duy trì phong trào thể thao, hoạt động các CLB thể thao trong học sinh” tham luận nêu rõ: Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho nhà trường nói riêng, cho địa phương nói chung. Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng đó, nhóm TD – GDQP đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học. Bồi dưỡng HSG là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò. Chính vì vậy để có nhân tố và tìm ra nhân tài chọn vào đội tuyển tham gia HKPĐ là điều rất quan trọng. Để có được điều này việc duy trì các CLB thể thao trong nhà trường và tạo sự yêu thích cho học sinh là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự thành công trong lĩnh vực thi thi đấu các giải thể thao cấp huyện và cấp tỉnh. Khi các em tham gia CLB các môn là các em đang rèn tính tự tin, kỷ luật, trách nhiệm của mình. Chính nơi đây sẽ tìm kiếm ra các em có năng khiếu và phẩm chất tốt để đào tạo thi đấu các giải thể thao do huyện, sở và các ban ngành tổ chức.
Trong những năm gần đây, Tổ TD-GDQPAN đã tham gia công tác bồi dưỡng HSG các môn thể thao cho học sinh thi HSG cấp Tỉnh, cụ thể là năm học 2023- 2024 đạt 17 giải gồm : 4 giải nhất, 4 giải nhì, 9 giải ba ở các môn cờ vua, điền kinh, đá cầu, bơi, cầu lông… Những thành tích trên đã góp phần không nhỏ vào kết quả thi HSG chung của nhà trường.
Bước vào năm học 2024-2025 tổ TD – GDQP nâng chất lượng huấn luyện các đội tuyển tham gia các nội dung thi đấu .(Môn bơi ,Đá cầu ,Cầu lông, Điền kinh, Bóng bàn,Cờ vua) tại Hội Khỏe phù Đổng tỉnh Bắc Giang. Tổ chuyên môn đã thảo luận đưa ra những giải pháp .
Giải pháp 1: Khâu tuyển chọn học sinh và kế hoạch bồi dưỡng:
Chúng ta lựa chọn đội tuyển ngay sau khi kết thúc năm học hoặc thông qua việc giảng dạy hàng ngày hoặc sau khi khảo sát đầu năm để lựa chọn những em có khả năng, tư chất, trí tuệ, lòng đam mê, gia đình nhất trí vào đội tuyển.
Giải pháp 2: Đối với giáo viên dạy bồi dưỡng:
1) Lên kế hoạch tập luyện ngay từ đầu năm để duy trì các CLB.
2) Phải thường xuyên tìm tòi các tư liệu, trau dồi kiến thức nâng cao chuyên môn để tập luyện cho HS hiệu quả hơn. Thật sự làm cho học sinh hứng thú và yêu thích TDTT. Giúp các em hiểu được tầm quan trọng của TDTT đối với con người.
3) Cho các CLB hoạt động thường xuyên và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cần được tiến hành thường xuyên cả trên lớp và các buổi chiều riêng, không nên để gần thi mới tích cực bồi dưỡng làm cho học sinh quá tải đồng thời ảnh hưởng đến kết quả học tập các môn học khác của học sinh.
Giải pháp 3: Đối với phụ huynh:
1) Quan tâm tạo điều kiện về thời gian ở nhà, động viên tích cực con em tích cực tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe và học tập các môn khác tốt hơn.
2) Trang bị đầy đủ trang phục tập luyện.
3) Thường xuyên liên lạc với giáo viên, nhà trường để nắm tình hình tiến bộ của con mình.
Giải pháp 4: Sự phối hợp giữa các tổ chức trong trường và khen thưởng
– Để hỗ trợ và duy trì các CLB TDTT và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi có hiệu quả, các bộ phận gián tiếp như: Chi bộ, Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên, tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm cũng cần quan tâm đặc biệt và có những biện pháp hỗ trợ đúng mức như: tạo điều kiện hết mức cho giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng.
Cô Giáp Thị Thùy Dung – Phó chủ tịch Công đoàn tham luận: Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc động viên CBGV-NV tham gia các cuộc thi, hội thi đạt kết quả cao, góp phần nâng cao xếp hạng của nhà trường trong cụm thi đua.
Những năm qua, Công đoàn Trường THPT Phương Sơn không chỉ làm tốt công tác chăm lo, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CBGVNLĐ trong nhà trường mà còn phối hợp tốt với các bộ phận chuyên môn triển khai có hiệu quả nhiều phong trào thi đua, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Chú trọng việc động viên CBGV-NV tham gia các cuộc thi, hội thi đạt kết quả cao, góp phần nâng cao xếp hạng của nhà trường trong cụm thi đua.
Trong năm học 2023-2024, các đồng chí trong BCH CĐ luôn Đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm để phát huy tốt chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn: Đại diện và bảo vệ quyền lợi của công nhân viên chức; Xây dựng và duy trì môi trường làm việc công bằng; Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và giải trí như: Giải bóng chuyền nữ, giao lưu bóng đá nam, giao lưu văn nghệ và tổ chức các hoạt động thăm quan, nghỉ mát nhằm tạo sự gắn kết và tăng cường tinh thần đoàn kết trong cán bộ công nhân viên nhà trường. Động viên CBGV-NV tham gia các cuộc thi, hội thi đạt kết quả cao, góp phần nâng cao xếp hạng của nhà trường trong cụm thi đua. Một số kết quả tiêu biểu như sau:
– 100% cán bộ, giáo viên, đoàn viên công đoàn tham gia tích cực phong trào thi đua dạy tốt – học tốt. Đội ngũ giáo viên ngày càng khẳng định được năng lực về
chuyên môn và nghiệp vụ. Góp phần nâng chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên.
– Giải HSG văn hóa cấp tỉnh: 22 giải, trong đó ( 02 Nhì,7 Ba, 13KK).
– Có 391 học sinh khối 12 thi TN, đỗ TN: 100%, Trong đó có 4 môn có điểm cao, xếp trong tốp đầu của tỉnh, cụ thể là: Môn Vật lí xếp thứ 3, Tiếng Anh xếp thứ 8, Môn Ngữ văn và môn Toán đều xếp thứ 11. Điểm TB 9 môn thi TN: 7,21 điểm: xếp thứ 11 trong tỉnh, tăng 7 bậc so năm trước.
– Có: 186/391 học sinh đỗ ĐH chiếm tỉ lệ khoảng 48% tổng số HS khối 12.
– Thi thể thao cấp tỉnh đạt 17 Huy chương (4 HCV, 4 HCB, 9 HCĐ), Trong Hội khỏe Phù đổng toàn quốc có 3 thầy giáo huấn luyện các nội dung và 02 HS tham
gia thi đấu bóng đá nữ đã đạt HCB, góp phần vào thành công Sở GD Bắc Giang – Chi bộ đảng kết nạp 07 quần chúng ưu tú là học sinh vào Đảng – Nhiều CBGV có thành tích xuất sắc được các cấp khen thưởng: 01 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 01 Bằng khen của Bộ GDĐT, 01 Giấy khen của GĐ Sở GD, 08 CBGV Đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 03 thầy cô giáo được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở GDĐT, 07 GV được Hiệu trưởng khen thưởng. Công đoàn trường được Công đoàn Giáo dục tỉnh Bắc Giang tặng Giấy khen, ngoài ra nhiều cá nhân được các cấp khen thưởng: 02 GV được liên đoàn lao động tỉnh tặng bằng khen, 05 CBGV-NV được liên đoàn lao động huyện Lục Nam tặng giấy khen. Tham gia giải bóng chuyền hơi cấp cụm lần thứ 3 từ khuyến khích đã nâng thành tích lên giải ba. Bóng bàn cấp tỉnh đạt giải nhất đôi nam. Đối với tập thể nhà trường: Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, được công nhận là Tập thể Lao động Tiên tiến và được đề nghị Bộ GDĐT tặng Bằng khen.
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác Công đoàn năm học 2023 – 2024, BCH Công đoàn đã thống nhất xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác Công đoàn năm học 2024 – 2025. Ngoài công tác phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên Công đoàn, cán bộ giáo viên và người lao động. Trong đó, đặc biệt chú trọng Động viên CBGV-NV tham gia các cuộc thi, hội thi đạt kết quả cao, góp phần nâng cao xếp hạng của nhà trường trong cụm thi đua. Thay mặt BCH Công đoàn, cô Giáp Thị Thùy Dung đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Một là: Vận động đoàn viên công đoàn thực hiện tốt chủ đề năm học 2024- 2025 “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỉ cương”. Đây là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy có những khó khăn nhất định nhưng với sự tận tâm, trách nhiệm của các thầy cô giáo, sự cố gắng nỗ lực của các em học sinh, sự ủng hộ tạo điều kiện về vật chất và tinh thần của các bậc phụ huynh, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nhà trường, thầy và trò nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đạt thành tích cao hơn nữa trong năm học mới.
Hai là: Triển khai sâu rộng các phong trào thi đua chuyên ngành, trọng tâm là phong trào thi đua: “Dạy tốt – học tốt” với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nét đẹp văn hóa học đường”; cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.
Ba là: Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế; kịp thời đề xuất Chi bộ, BGH nhà trường khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập. Phối hợp chỉ đạo phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường, xây dựng tổ chức Công đoàn và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Bốn là: Động viên đoàn viên công đoàn là CBGV tích cực hưởng ứng qua các đợt hội giảng, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, qua đó khơi dậy ý thức tự giác và
sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo. Từ đó, GV luôn có sự tìm tòi, đổi mới phương
pháp giảng dạy của CBGV để có những bài giảng hay hơn. Đẩy mạnh phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, tự làm đồ dùng dạy học.
Năm là: Tổ chức tốt phong trào thi đua giờ giảng chất lượng cao, giờ giảng ứng dụng công nghệ thông tin hay ứng dụng các phương pháp thực hành, dạy học theo dự án trong các môn học, dạy học theo chuyên đề, dạy học tích hợp, giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sáng tạo kỹ thuật của học sinh… được tổ chức dưới nhiều hình thức đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục toàn diện.
Sáu là: Công đoàn trường ngành tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ nhà giáo, đoàn viên công đoàn; phát động sâu rộng các phong trào thi đua, góp phần tạo chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn vận động đoàn viên công đoàn, NLĐ đăng ký thi đua và tổ chức tốt các đợt thi đua theo chủ đề, gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và của ngành.
Bẩy là: Xây dựng văn hóa thi đua lành mạnh và tích cực trong toàn trường, nơi mọi người đều được khuyến khích tham gia thi đua với tinh thần học hỏi, phát triển, không gây áp lực hay căng thẳng cho CBGV- NV. Khuyến khích thi đua không chỉ để đạt thành tích cao mà còn để nâng cao chất lượng giảng dạy và công tác chuyên môn, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.
Tám là, Công đoàn đề xuất nhà trường mời chuyên gia, những người từngư tham gia và đạt thành tích cao trong các cuộc thi, đặc biệt như sáng tạo KHKT về chia sẻ kinh nghiệm với CBGV – NV. Công đoàn có thể thiết lập mối quan hệ với các trường khác trong cụm thi đua để học hỏi kinh nghiệm, cùng tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm thi cử. Tổ chức Công đoàn có thể đóng vai trò làm cầu nối giữa nhà trường và các tổ chức cấp trên để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia thi cử cũng như đạt được sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Chín là: Sau mỗi kỳ thi, Công đoàn nên tổ chức các buổi họp để lắng nghe phản hồi từ CBGV-NV về những khó khăn, thách thức gặp phải. Từ đó, đưa ra các biện pháp cải thiện và chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc thi sau. Công đoàn cần chủ động
đề xuất với Ban giám hiệu các biện pháp cải tiến quy trình thi đua, từ việc đăng ký, chuẩn bị, cho đến cách thức đánh giá để tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho CBGVNV tham gia.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Hùng – hiệu trưởng nhà trường, đồng chí Mai Đình Nhường – Phó hiệu trưởng, đồng chí Dương Văn San – Phó hiệu trưởng, đồng chí Ngô Văn Hiển – chủ tịch CĐ trường đã trao thưởng cho các thầy cô giáo đạt thành tích cao trong năm học: các danh hiệu CSTĐ, GVG, GVCN giỏi cấp trường, Đoàn viên công đoàn xuất sắc …
Kết thúc hội nghị, 100% CBGVNV nhất trí thông qua kết quả hội nghị, thông qua quy chế chi tiêu nội bộ. Giao ước thi đua được kí giữa chủ tịch CĐ và Hiệu trưởng nhà trường là khởi đầu cho những nhiệm vụ tuy khó khăn nhưng cũng rất vinh quang, tự hào, hứa hẹn những thành công tiếp theo trong năm học 2024-2025.
Kí giao ước thi đua giữa hiệu trưởng và chủ tịch Công đoàn
(Thư kí thông qua nghị quyết)
(Thông qua quy chế chi tiêu nội bộ)