Ngoại khóa văn học: “văn học dân gian việt nam- trở về nguồn cội”

NGOẠI KHÓA VĂN HỌC: “VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM- TRỞ VỀ NGUỒN CỘI”

Thực hiện kế hoạch và  nhiệm vụ năm học 2019-2020 của nhà trường, sáng ngày 25/11/2019, tổ Ngữ văn trường THPT Phương Sơn đã tổ chức buổi ngoại khóa văn học với chủ đề: Văn học dân gian Việt Nam– Trở về nguồn cội

Tham dự  buổi ngoại khóa có các thầy giáo, cô giáo trong Ban giám hiệu, Ban chấp hành Đoàn trường, tổ chuyên môn cùng các thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm và hơn 1300 học sinh nhà trường.

Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ hát liên khúc dân ca và các bài hát mang âm hưởng dân ca ba miền tạo nên không khí đầy hứng khởi. Giọng ca ngọt ngào, sâu lắng của các em học sinh đã đưa người nghe trở về với cội nguồn văn hóa dân gian của ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tiếp theo chương trình là phần thi “Rung chuông vàng”. Phần thi có sự tham gia của 30 học sinh đại diện cho 30 lớp của nhà trường. Các em tham gia thi trả lời câu hỏi, tìm hiểu kiến thức về văn học dân gian Việt Nam. Kết quả em Đỗ Thị Ngọc Lan lớp 12 A3 đạt giải nhất, em Dương Ngọc Ánh lớp 11A9 đạt giải nhì, em Lương Thị Bảo Chúc lớp 11A5 đạt giải ba.

Các thí sinh tham gia chương trình rung chuông vàng

Phần trao thưởng

Tiếp đến là phần Câu hỏi dành cho khán giả.  Các em học sinh trong toàn  trường đã tham gia trả lời các câu hỏi thể hiện khả năng hiểu biết của mình về văn học dân gian Việt Nam với sự  hào hứng và sôi nổi.

 

Kết thúc chương trình là phần Sân khấu hóa tác phẩm văn học dân gian với  hai màn kịch ngắn chuyển thể từ hai truyện cười: Tam đại con gàNhưng nó phải bằng hai mày.

Với lối diễn xuất chân thật, tự nhiên, hài hước  của các “diễn viên không chuyên”, hai màn kịch đã đem đến những tiếng cười vui và những bài học hữu ích trong cuộc sống.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa  thành công tốt đẹp đã tạo tinh thần học tập sôi nổi cho học sinh, giúp các em có thêm những kiến thức bổ ích  về văn học dân gian Việt Nam, thêm yêu những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc và  từ đó  có ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị quý báu của kho tàng văn học dân gian mà cha ông ta đã truyền lại.

 

Người viết: Ngô Thị Hà- Tổ trưởng tổ Ngữ văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *