Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong thời gian qua các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn trường học, phòng chống cháy nổ, trật tự an toàn giao thông (TTATGT), phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Tuy nhiên vẫn còn cơ sở giáo dục chưa triển khai thường xuyên, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh (HS) chưa hiệu quả vì vậy còn xảy ra một số vi phạm của HS như: làm và sử dụng pháo nổ trái phép, đuối nước… ở bên ngoài trường học ảnh hưởng đến thân thể và tính mạng HS.
Để chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế trên, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Lễ hội Xuân 2022, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố (chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tổ chức, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ (CB), giáo viên (GV), nhân viên (NV) và HS thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về cấm sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép các loại pháo, vũ khí, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực. Nghiêm cấm cán bộ, GV, HS tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ; kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, nhất là trong đêm giao thừa. Tổ chức cho HS ký cam kết không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép các loại pháo, vũ khí, không tham gia các tai tệ nạn xã hội. Có quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo
dục HS và thông báo cho phụ huynh biết để phối hợp thực hiện.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, giáo dục ý thức tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho CB, GV, NV, HS:
– Quán triệt CB, GV, NV, HS thực hiện nghiêm các quy định về TTATGT như: “Đã uống rượu, bia-không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt; mặc áo phao đúng quy định khi đi đò; rửa tay đúng cách và mang khẩu trang khi tham gia giao thông…
– Nhà trường tổ chức ký cam kết với cha mẹ HS về việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức tham gia giao thông cho HS, không giao xe máy cho HS khi chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho HS khi ngồi trên xe mô tô, xe
gắn máy tham gia giao thông; tuyên truyền, giáo dục cho HS khi điều khiển “phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện” phải đội mũ bảo hiểm; quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp đối với những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục HS và thông báo
cho tất cả các bậc cha mẹ học sinh biết để cùng phối hợp quản lý, giáo dục HS.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp, các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội, Hội, loa phát thanh…nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của CB, GV, NV, HS, SV trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm (trộm cắp,
cướp giật, lừa đảo, xâm hại trẻ em, ma túy…), phòng, chống dịch Covid-19, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Lễ hội Xuân 2022.
4. Phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng, phụ huynh trong công tác nắm bắt tình hình, quản lý, giáo dục và đảm bảo an toàn cho HS; chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về chính trị, tư tưởng, tác hại của thuốc lá
điện tử; không để HS sử dụng, tàng trữ, mua bán thuốc lá điện tử. Tuyên truyền, vận động CB, GV, NV, HS tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng, chống tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm ma túy và tệ nạn cờ bạc, mại
dâm, HIV/AIDS; phòng, chống xâm hại trẻ em.
5. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan công an trong việc đảm bảo ATGT khu vực cổng trường; phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm vi phạm pháp luật thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán;
thực hiện các phương án bảo đảm ANTT trong dịp Tết Nguyên đán. Yêu cầu lực lượng bảo vệ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không để các đối tượng vào nhà trường trộm cắp, xâm hại trẻ em, học sinh…
6. Tăng cường quản lý kỷ cương, nền nếp trong đơn vị. Thực hiện tổng vệ sinh và chỉnh trang trụ sở cơ quan, đơn vị. Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ; trang bị đủ các phương tiện, thiết bị theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đơn vị, không để xảy ra cháy nổ tại cơ quan, đơn vị. Thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2022.
7. Khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến ANTT, an toàn trường học, tai nạn giao thông… các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT phải báo cáo ngay những thông tin ban đầu bằng điện thoại về bộ phận thường trực (0978.580.648), sau đó báo cáo bằng văn bản (chậm nhất sau 02 ngày). Trưởng Phòng GD&ĐT, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm về việc báo cáo các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến ANTT, an toàn trường học, tai nạn giao thông trước Giám đốc Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT tổ chức thực hiện nghiêm túc; báo cáo kết quả thực hiện về Sở GD&ĐT (qua Phòng Giáo dục Tiểu học, địa chỉ Email:
phongth@bacgiang.edu.vn) trước ngày 12/02/2022./.