Mùa tuyển sinh năm 2022, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào nhiều trường đại học trên cả nước để tăng cơ hội trúng tuyển.
Từ tháng 3 đến tháng 7, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức khoảng 11 đợt thi đánh giá năng lực tại các tỉnh thành gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nghệ An, TP.HCM. Trước đó, vào cuối tháng 2, đợt thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia tổ chức cũng đã được thực hiện tại Thái Nguyên và Hà Nội.
Lịch thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022
Dự kiến, trong năm 2022, nhà trường sẽ tổ chức 16 đợt thi đánh giá năng lực, kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 8.
Cũng trong tháng 3, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức đợt thi đánh giá năng lực đầu tiên. Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM được tổ chức thành 2 đợt.
Đợt 1 được tổ chức vào ngày 27.3, tại 17 tỉnh, thành gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Đợt 2 dự kiến tổ chức vào ngày 22.5, trước kỳ thi THPT khoảng 1 tháng, tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, An Giang. Mỗi đợt thi đánh giá năng lực có đợt đăng ký xét tuyển khác nhau. Nếu thí sinh thi cả 2 đợt, kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được Đại học Quốc gia TP.HCM sử dụng để xét tuyển.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM gồm 120 câu hỏi trong thời gian làm bài 150 phút với 3 phần: Phần ngôn ngữ có 20 câu hỏi Tiếng Việt và 20 câu hỏi Tiếng Anh; Phần Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu có 30 câu hỏi, phần giải quyết vấn đề có 50 câu.
Năm nay khoảng 80 trường đại học và cao đẳng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM.
Còn Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm nay chỉ tổ chức một đợt thi đánh giá tư duy duy nhất. Nhà trường dự kiến tổ chức bài thi ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại 4 địa điểm gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ.
Bài thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có thời gian làm bài 270 phút, nội dung gồm các phần Toán (trắc nghiệm, tự luận) với thời lượng 90 phút; Đọc hiểu (trắc nghiệm) với thời lượng 30 phút; Tự chọn 1 Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) với thời lượng 90 phút; Tự chọn 2 Tiếng Anh với thời lượng 60 phút. Thí sinh có thể chọn 1 hoặc cả 2 phần tự chọn nếu muốn đăng ký xét tuyển với nhiều tổ hợp khác nhau.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức từ ngày 1.3 – 1.4. Đây là năm đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển.
Trường tổ chức thi đánh giá năng lực các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Thời gian làm bài môn Toán, Ngữ văn là 90 phút, các môn còn lại 60 phút.
Thời gian thi dự kiến vào ngày 7.5, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả sẽ được trường công bố trước ngày 25.5.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt lấy kết quả xét tuyển một phần chỉ tiêu năm 2022. Thời gian thi dự kiến 2 đợt vào tháng 4 và 6 nhưng diễn ra ở nhiều địa phương nhằm tạo điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt có 6 bài thi, cụ thể gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi tùy theo số lượng ngành mong muốn xét tuyển.
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học có thời gian làm bài 90 phút. Bài thi gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn, thí sinh phải sử dụng các năng lực của mình để giải quyết và điền kết quả vào ô trống.
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt Ngữ văn cũng diễn ra trong 90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài văn nghị luận xã hội với khoảng 600 từ. Chủ đề bài văn nghị luận xã hội sẽ được ra theo hướng mở.
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt tiếng Anh, thí sinh làm trong 180 phút, gồm 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 – 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam.
Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ Công an tổ chức bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào 8 trường, học viện trong khối ngành công an bên cạnh các phương thức xét tuyển khác. Kỳ thi dự kiến được tổ chức ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực khối ngành công an 2 phần gồm phần trắc nghiệm và phần tự luận. Phần trắc nghiệm bao gồm: Kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ phù hợp với tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường công an; tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành, độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT để tăng khả năng phân loại thí sinh; phần tư duy logic tập trung kiểm tra các kỹ năng ghi nhớ, phán đoán, suy luận, đánh giá, nhận xét của thí sinh phù hợp với lĩnh vực công tác công an.
Ở phần tự luận, thí sinh sẽ được lựa chọn một trong hai nội dung là Văn học, nghị luận xã hội hoặc giải toán.
Tổng thời gian làm bài thi đánh giá năng lực vào các trường công an là 180 phút, trong đó phần trắc nghiệm chiếm 90 phút, phần tự luận 90 phút.
Nguồn <<Báo Lao Động>>