Quán triệt thực hiện nội dung dạy học cốt lõi đối với lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12 trong năm học 2022-2023

Ngày 25/8/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Công văn số 1278/SGDĐT-GDTrH&GDTX về việc ban hành Khung phân phối chương trình thực hiện trong năm học 2022-2023 (Công văn 1278). Để việc triển khai, tổ chức thực hiện nội dung trên tại các đơn vị (như kính gửi) thống nhất và đạt kết quả cao Sở GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn và quán triệt một số nội dung khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12, cụ thể như sau:

1. Việc thực hiện dạy học nội dung cốt lõi ở các khối lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12 là việc sắp xếp, tích hợp các đơn vị kiến thức một cách logic, linh hoạt; được thực hiện trong hai giai đoạn, giai đoạn đầu dạy học nội dung cốt lõi, giai đoạn kết thúc (đến hết năm học) dạy phần bổ sung, ôn tập, luyện tập và hoàn thiện chương trình môn học. Nghiêm cấm việc cắt xén, dồn ép chương trình. Tổ chức dạy học phải bảo đảm quá trình nhận thức của học sinh; học sinh phải nắm vững kiến thức, kỹ năng cần đạt.

2. Để giáo viên thực hiện tốt và hiệu quả chương trình giáo dục, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trung học chỉ đạo các  tổ/nhóm chuyên môn tổ chức thảo luận thống nhất nội dung dạy học cốt lõi, nội dung kiến thức bổ sung cho từng tiết dạy/bài học trên lớp đảm bảo không quá tải đối với học sinh, đồng thời dành thời lượng hợp lí cho hoạt động ôn tập, vận dụng kiến thức ngay trong quá trình dạy học nội dung cốt lõi. Mỗi giờ dạy có sự hài hòa giữa lý thuyết, bài tập và thực hành để học sinh thực sự nắm vững nội dung cốt lõi của đơn vị kiến thức. Khi tổ chức dạy học phần bổ sung, ôn tập, luyện tập và hoàn thiện chương
trình cần rà soát để hoàn thành chương trình môn học, tinh giản những nội dung vượt quá mức độ cần đạt của chuẩn kiến thức kỹ năng; bổ sung, cập nhật những nội dung, thông tin mới, phù hợp để thay thế nội dung cũ, lạc hậu; chú trọng liên hệ thực tiễn địa phương; tập trung ôn luyện cho học sinh những dạng bài điển hình của nội dung kiến thức được học. Tuyệt đối không được cắt xén nội dung, giảm tiết học của môn học; đặc biệt phải linh hoạt các hình thức, biện pháp quản lý (của giáo viên, của các cấp quản lý) để nâng cao chất lượng giờ dạy, chất lượng giáo dục bộ môn;.

3. Đối với học sinh khối lớp 9 và lớp 12 cần chú trọng rèn kỹ năng làm bài; tận dụng thời gian dạy bổ sung, ôn tập, luyện tập, nâng cao chất lượng các kỳ thi, kiểm tra cuối cấp học, nhất là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT 2023. Để đảm bảo sự bình đẳng trong tổ chức dạy học đối với tất cả học sinh lớp 9, chất lượng của tất cả các môn học Sở GD&ĐT yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện/thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở kịp thời những biểu hiện sai lệch (nếu có) trong tổ chức dạy học của các đơn vị.

4. Căn cứ hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học Sở GD&ĐT ban hành kèm theo Công văn 1278, các đơn vị tiếp tục chỉ đạo đến giáo viên thường xuyên tự rà soát Phân phối chương trình chi tiết, khi thấy cần chỉnh sửa bổ sung, thay thế, chủ động báo cáo Tổ trưởng/nhóm trưởng chuyên môn trình Cán bộ quản lý phụ trách chuyên môn để phê duyệt.

5. Việc kiểm tra đánh giá định kỳ đối với khối lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12 cần bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng. Dành thời lượng ôn tập phù hợp trước thời điểm kiểm tra. Hướng dẫn học sinh ôn tập theo ma trận và bản đặc tả ma trận.

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, liên hệ Phòng GDTrH&GDTX, Sở GD&ĐT để phối hợp giải quyết./. 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC

(Đã Ký)

Bạch Đăng Khoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.