Quy chế thi tốt nghiệp THPT và một số điểm mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 06/3/2024 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT (gửi kèm Công văn này) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 và Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 của Bộ GDĐT. Theo Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 06/3/2024 của Bộ GDĐT Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật và đưa một số nội dung từ hướng dẫn tổ chức kỳ thi vào quy chế thi.
Để toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh được biết, Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị (như kính gửi) triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Tổ chức học tập, nghiên cứu Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Thủ trưởng các đơn vị tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên trong đơn vị mình học tập, nghiên cứu Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đặc biệt chú ý đến những điểm mới của kỳ thi và truyền thông tới học sinh và phụ huynh học sinh biết để thực hiện.

2. Một số điểm mới cơ bản của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

2.1. Điều 3. Bài thi

Quy định rõ các môn thi ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn) trong quy chế thi để thí sinh thuận lợi hơn trong công tác đăng ký.

2.2. Điều 12. Đối tượng, điều kiện dự thi

– Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.

– Thí sinh đã có Bằng tốt nghiệp THPT, người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp (thí sinh tự do) chỉ được đăng ký dự thi các bài thi độc lập; đối với bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ được đăng ký 01 (một) bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng 01 (một) bài thi tổ hợp.

2.3. Điều 13. Đăng ký dự thi

Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do sở GDĐT nơi thí sinh đã dự thi xác nhận trong trường hợp thí sinh dự thi tại tỉnh khác.
Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi chịu trách nhiệm tra cứu thông tin từ nguồn thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác nhận diện ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh (thực hiện trên Hệ thống Quản lý thi).
2.4. Điều 14. Trách nhiệm của thí sinh

– Thí sinh có trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản, mật khẩu được cấp để đăng nhập vào Hệ thống Quản lý thi. Trong trường hợp thí sinh quên tài khoản và mật khẩu thì liên hệ với nơi đăng ký dự thi để được hỗ trợ.
– Bổ sung một số vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: Tẩy chì;
êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình.

– Cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
– Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 05 (năm) phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài.

– Thí sinh không được rời khỏi phòng thi cho đến khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cùng cán bộ giám sát cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do Trưởng Điểm thi quyết định.

– Có phòng chờ ra, phòng chờ vào riêng cho thí sinh trong bài thi tổ hợp:
+ Thí sinh chỉ thi môn thi thành phần thứ nhất và/hoặc thứ hai trong bài thi tổ hợp, sau khi nộp Phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh ra khỏi phòng thi và di chuyển về phòng chờ ra cho đến khi hết giờ làm bài của môn thi cuối cùng mới được rời khỏi khu vực thi. Trong quá trình di chuyển về phòng chờ ra và trong thời gian ở phòng chờ ra, thí sinh phải giữ gìn trật tự, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ/khu vực chờ. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng chờ khi được phép của người quản lý phòng chờ và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát khi ở ngoài phòng chờ;
+ Thí sinh chỉ dự thi môn thi thành phần thứ hai và/hoặc thứ ba trong bài thi tổ hợp phải có mặt tại nơi gọi thí sinh vào phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 10 phút để làm công tác chuẩn bị. Nếu thi sinh đến sớm hơn (trước giờ phát đề thi từ 15 phút trở lên) thì phải vào đợi tại các phòng chờ vào;

+ Thí sinh chỉ dự thi môn thi thành phàn thứ nhất và thứ ba trong bài thi tổ hợp: Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, đặt Phiếu trả lời trắc nghiệm sao cho phần tô câu trả lời úp xuống mặt bàn tại vị trí ngồi của thí sinh và bảo quản Phiếu trả lời trắc nghiệm trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo.
2.5. Điều 16. Khu vực ra đề thi, in sao đề thi và các yêu cầu bảo mật
– Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối
mật”. Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật ngay khi hết giờ làm bài của bài thi/môn thi cuối cùng của Kỳ thi. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận.

– Việc cách ly 03 vòng độc lập của Khu vực làm đề thi được thực hiện như sau:
+ Vòng 1 được cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi bắt đầu thực hiện làm đề thi hoặc mở đề thi gốc để in sao cho đến khi thi xong môn cuối cùng. Trước khi thực hiện làm đề thi, Hội đồng ra đề thi/Ban In sao đề thi phải phối hợp với công an để xây dựng phương án bảo đảm an ninh an toàn cho công tác làm đề thi, kiểm tra bảo đảm cửa sổ các phòng phải được dán kín và được công an cùng với lãnh đạo Hội đồng ra đề thi/Ban In sao đề thi niêm phong bảo đảm không thể nhìn được từ bên ngoài;

+ Vòng 2 là khu vực tiếp giáp vòng 1 và vòng 3, cách ly tuyệt đối với bên ngoài đến khi thi xong môn cuối cùng. Người làm nhiệm vụ tại vòng 2 có nhiệm vụ: Giám sát mọi cuộc liên lạc bằng điện thoại cố định; là đầu mối giao tiếp thông tin với bên ngoài; kiểm soát người, đồ vật từ vòng 3 vào vòng 2 và ngược lại;
+ Vòng 3 là khu vực tiếp giáp vòng 2 và bên ngoài. Người làm nhiệm vụ tại vòng 3 có nhiệm vụ: Bảo đảm an ninh trật tự xung quanh khu vực làm đề thi 24 giờ/ngày; kiểm soát không để người không có nhiệm vụ hoặc thiết bị thu phát thông tin vào khu vực làm đề thi; ghi sổ theo dõi người, đồ vật ra/vào khu vực bảo vệ; yêu cầu tất cả những người ra/vào phải đeo thẻ do Hội đồng ra đề thi/Hội đồng thi cấp;

+ Việc tổ chức công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho quá trình làm đề thi thực hiện theo văn bản hướng dẫn chung giữa Bộ GDĐT và Bộ Công an.
2.6. Điều 18. In sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi
Thành phần Ban In sao đề thi có nhân viên y tế và phục vụ.

2.7. Điều 22. Quy trình tổ chức coi thi và trách nhiệm thực hiện
Bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét để bảo
quản vật dụng cá nhân của thí sinh và các tài liệu, vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

2.8. Điều 25. Ban Làm phách bài thi tự luận

Những người làm việc trong khu vực làm phách chỉ được hoạt động trong phạm vi không gian cho phép, theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Công việc của các vòng cụ thể như sau:

+ Vòng trong: Là khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài, chỉ gồm thành viên trực tiếp tham gia làm phách bài thi tự luận và người làm nhiệm vụ giám sát do giám đốc sở GDĐT điều động; cửa sổ các phòng phải đóng kín và được công an cùng với Lãnh đạo Ban Làm phách niêm phong; các khoảng trống thông ra bên  ngoài phải bịt kín bằng vật liệu bền, chắc, không thể xuyên thấu. Hằng ngày, những người ở vòng trong tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào qua vòng ngoài; + Vòng ngoài: Là khu vực tiếp giáp vòng trong và bên ngoài, đầu mối giao tiếp giữa vòng trong với bên ngoài; gồm bảo vệ, công an, y tế, phục vụ; được trang bị 01 (một) điện thoại cố định có chức năng ghi âm và có loa ngoài do công an kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày để liên lạc với Hội đồng thi/Ban Chỉ đạo thi các cấp, mọi liên lạc qua điện thoại đều phải ghi âm, bật loa ngoài, phải ghi nhật ký có chữ ký của người trực tiếp liên lạc và có sự chứng kiến, xác nhận của công an. Những người làm việc ở vòng ngoài có nhiệm vụ tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào vòng trong; kiểm tra vật liệu và các đồ vật từ vòng trong chuyển ra.

2.9. Điều 27. Chấm bài thi tự luận

Hồi phách bài thi tự luận:

+ Chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc chấm thi và nhập điểm vào phần mềm;

+ Khớp phách trên phần mềm: Ghép toàn bộ dữ liệu nhập điểm bài thi tự luận với dữ liệu thông tin của thí sinh kèm số phách (do Ban Làm phách cung cấp sau khi hoàn thành công tác nhập điểm);

+ Kiểm tra việc khớp phách: Sau khi thực hiện thành công việc khớp phách trên phần mềm, in biểu kiểm dò từ phần mềm để Ban Thư ký Hội đồng thi khớp phách bằng tay ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận; nếu có sai sót phải lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục;

+ Các túi bài thi được mở và sử dụng trong quá trình khớp phách phải được niêm phong lại; trên nhãn niêm phong của các túi bài thi phải có chữ ký của những người trực tiếp thực hiện.

2.10. Điều 35. Miễn thi bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT

Quy định cụ thể các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện

KT.GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

(Đã ký)

Bạch Đăng Khoa

Chi tiết hướng dẫn tại đây:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *