- Bệnh lao là gì?
Bệnh lao là nệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây nên. Nếu vi khuẩn lao thâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể và sinh sống, đồng thời cơ thể không thể chống lại nó, khi đó sẽ hình thành bệnh lao.
Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao ruột, lao hệ tiết niệu, trong đó bệnh lao phổi thường gặp nhất (80-85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề nghiêm trọng, gánh nặng về sức khỏe cộng đồng và đứng trong top 10 những bệnh có nhiều người mắc và là là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng trên toàn cầu.
Theo thông báo của tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc lao cao, đứng thứ 11/30 nước có tỷ lệ mắc lao cao nhất toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên thế giới.
- Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp (người lành hít phải các bọt có chứa vi khuẩn lao do người bệnh ho khạc bắn ra). Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó.
Vi khuẩn lao có khả năng kháng lại cồn và axit mà ở nồng độ đó vi khuẩn khác bị tiêu diệt. Vi khuẩn lao tồn tại được nhiều tuần trong đờm, rác ẩm và tối, chết ở nhiệt độ 1000oC/5 phút và dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời.
- Đường lây truyền bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi rất dễ lây truyền qua đường hô hấp. Người lành có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với người bị lao phổi hoặc chất thải có chứa vi khuẩn lao như: đờm, dãi, nước bọt khi ho, hắt hơi…hay dùng chung đồ với người bệnh lao như khăn mặt, chậu, bát đũa…
Ngoài ra người sống trong môi trường khói bụi, ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh, hoặc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao.
- Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
- Người thường xuyên tiếp xúc gần với bệnh nhân lao phổi, đặc biệt là trẻ em.
- Người mắc các bệnh mãn tính: Đái tháo đường, suy thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, bụi phổi…
- Người cao tuổi, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thuốc lào, người có tiền sử lao phổi.
- Người có sức đề kháng kém như người nhiễm HIV, người suy dinh dưỡng người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid….
- Các triệu chứng nghi lao phổi:
- Ho kéo dài trên 02 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu trứng quan trọng nhất liên quan đên lao phổi.
- Đau tức ngực, khó thở.
- Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút.
- Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều, ra mồ hôi nhiều về đêm.
Khi bệnh nhân được phát hiện sớm và chữa kịp thời thì các triệu chứng lâm sàng sẽ giảm và hết ( trung bình 1 đến 2 tuần). Vi khuẩn ở trong đờm sẽ âm hoá sau 1 – 2 tháng điều trị.
- Các biến chứng
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đa số trường hợp diễn biến từng đợt, các triệu chứng ngày càng nặng lên và có thể có các biến chứng như:
-
- Ho ra náu
- Giãn phế quản
- Tràn khí màng phổi
- Xơ phổi, giãn phế nang
- Bội nhiễm
- Sốc nhiễm trùng
- Ung thư phổi
- Cách phòng chống bênh lao:
- Để đề phòng bệnh lao hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ em đều phải tiêm phòng vắc xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao.
- Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao.
- Khi bị lao cần điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất nên đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày.
- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
- Phát hiện sớm người mắc lao, điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác
Chữa khỏi 1 người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không mắc bệnh, bởi vậy giúp đỡ người bệnh lao cũng là bảo vệ cho mình và cộng đồng.
Vì sức khoẻ của bạn, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống bệnh lao./.
Nguyễn Thị Hà