Môn sử: Nên tự chọn hay bắt buộc?

Có ý kiến cho rằng môn lịch sử không nên để tự chọn vì ít học sinh theo học. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng cách dạy và học sử trong trường nên thay đổi để thu hút học sinh.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM trong chương trình Ngày hội hóa thân thành các nhân vật lịch sử – do tổ lịch sử của trường tổ chức năm 2019. Đây là một trong những hoạt động giúp học sinh yêu thích môn sử – Ảnh: H.HG.

Từ năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học chương trình phổ thông mới. Theo đó, có bảy môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương.

Ba nhóm môn học để chọn năm môn gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật). 

Có ý kiến cho rằng môn lịch sử không nên để tự chọn vì ít học sinh theo học. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng cách dạy và học sử trong trường nên thay đổi để thu hút học sinh.

Thích nhưng sợ kiểm tra và thi

“Em rất thích học môn sử và tìm tòi những kiến thức về lịch sử Việt Nam cũng như thế giới. Từ lớp 6 em may mắn được học với các giáo viên dạy lịch sử nhiệt huyết, giỏi nghề. Tiết dạy của các thầy cô rất hấp dẫn và sinh động. 

Tuy nhiên, em rất sợ phải làm bài kiểm tra và thi môn sử. Vì các bài học dài lê thê, đã nhiều sự kiện lại còn khô khan và khó nhớ. Vì vậy, nếu được lựa chọn em sẽ không chọn học môn sử ở lớp 10 mà sẽ chọn những môn khác nhẹ nhàng hơn” – Tr.V.Q., học sinh lớp 9 tại một trường THCS nổi tiếng ở quận 1, cho biết.

Tương tự, H.Th., học sinh lớp 9 ở quận 3, tâm sự: “Mấy hôm nay, em đang cân nhắc chọn lựa và đăng ký thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập. Hiện các trường đã công bố các tổ hợp môn học tự chọn để thí sinh quyết định. Ba mẹ em nói dân ta phải biết sử ta và sai lầm khi để môn sử tự chọn. 

Ba mẹ yêu cầu em phải chọn những trường THPT có nhiều tổ hợp môn học, trong đó có lịch sử. Em không đồng ý vì môn sử khó lấy điểm hơn môn địa và môn GDCD. Tại sao phải chọn học một môn khó nhằn, học rất cực mà điểm lại không cao? Em có thể tự học lịch sử bằng nhiều cách khác, không cần học trong trường…”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, hiệu trưởng nhiều trường THPT ở TP.HCM đều thừa nhận tình trạng trên. “Nếu cho chọn lựa thì chắc chắn học sinh sẽ không chọn học môn sử. Vì thế, trường chúng tôi sẽ xếp các tổ hợp môn để định hướng cho học sinh. Trước khi học sinh lớp 10 chọn môn học, các giáo viên cũng sẽ tư vấn thật kỹ càng. Ví dụ tổ hợp hóa, sinh, sử, địa, tin học; tổ hợp lý, hóa, sinh, sử, tin học; tổ hợp sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế – pháp luật, tin học… 

Như vậy, dù muốn dù không, học sinh vẫn phải học môn sử chứ không thể chọn lựa từng môn theo ý mình. Quan điểm của trường môn sử vẫn là môn học quan trọng. Vấn đề còn lại chính là giáo viên lịch sử. Họ phải tích cực đổi mới để thu hút học sinh” – hiệu trưởng một trường THPT ở TP Thủ Đức bày tỏ.

Phải thay đổi để thu hút học sinh

Cô Lương Thị Ánh Vi – tổ trưởng tổ sử Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3 – thừa nhận: “Việc đưa môn sử cho học sinh tự chọn là một thử thách đối với các giáo viên bộ môn. Giáo viên phải thay đổi để có những tiết dạy lịch sử hấp dẫn. Thực tế cho thấy nhiều học sinh thích học sử, thích tìm tòi kiến thức có liên quan đến lịch sử nhưng các em ngán phải học thuộc lòng để đi thi và làm bài kiểm tra. 

Do đó, nếu chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy thôi thì chưa đủ, cần phải đổi mới cả phương thức kiểm tra – đánh giá học sinh. Thay vì cho học sinh làm bài kiểm tra như truyền thống thì chúng ta cho các em làm dự án, thuyết trình về một nhân vật lịch sử, một giai đoạn lịch sử tâm đắc… học sinh sẽ thích thú hơn nhiều”.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – cho biết việc xây dựng tổ hợp môn như thế nào phải dựa trên điều kiện hiện có như phòng học, giáo viên/môn học và chỉ tiêu đối với lớp 10. 

Cô hiệu trưởng chia sẻ trường này xây dựng các tổ hợp môn học theo hai hướng chính: một là hướng chốt cứng các môn khoa học tự nhiên (vật lý, sinh học, hóa học) cộng với môn tin học (là thế mạnh của trường) và một trong ba môn thuộc nhóm khoa học xã hội. Theo hướng này sẽ có ba nhánh tổ hợp môn khác nhau.

Hướng thứ 2 là chốt cứng các môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, kinh tế và giáo dục kinh tế và pháp luật), cộng với tin học và một trong ba môn của nhóm môn khoa học tự nhiên. Theo hướng này cũng có 3 nhánh tổ hợp môn khác nhau. Khối lớp 10 năm tới sẽ có 6 tổ hợp môn học. Tuy nhiên cơ cấu lớp 10 tương ứng với số tổ hợp này sẽ không đều nhau mà phân bổ theo điều kiện đáp ứng về giáo viên…

“Với cách phân chia như trên, có 4/6 tổ hợp môn có môn lịch sử. Ngoài ra học sinh có thể đăng ký học chuyên đề lịch sử. Vì thế sẽ không có chuyện giáo viên lịch sử thất nghiệp…” – cô Nhiếp cho hay.

Hoàn tất xây dựng tổ hợp môn trong tháng 5-2022

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng có 3 việc cần được các sở GD-ĐT tiến hành liên quan tới triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10. Thứ nhất, trong tháng 4-2022, sở GD-ĐT phải chỉ đạo các phòng GD-ĐT tổ chức khảo sát bằng phiếu hỏi đối với học sinh lớp 9 về nguyện vọng lựa chọn môn học ở lớp 10. Kết quả khảo sát là một căn cứ để các trường THPT xây dựng các tổ hợp môn học và cơ cấu lớp 10 tương ứng với các tổ hợp môn học này.

Thứ hai, các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có để xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực của nhà trường và đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu của người học. Thứ ba, các trường THPT phải hoàn tất việc xây dựng tổ hợp môn học và công bố công khai, rộng rãi trong tháng 5-2022, trước khi học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT.

“Cấp THPT được thiết kế theo hướng phân hóa…”

GS Nguyễn Minh Thuyết – Ảnh: NG.KHÁNH

Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ lớp 10 trở lên môn lịch sử không phải môn học bắt buộc với mọi học sinh mà nằm trong nhóm môn học lựa chọn. Nhiều dự đoán môn sử sẽ ít người chọn.

Về việc này, ông Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông 2018 – giải thích: Theo thiết kế chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sau khi học xong chín năm phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 9), học sinh đã hoàn thành nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung môn lịch sử, đảm bảo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cốt lõi.

Cấp THPT được thiết kế theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Chương trình lịch sử ở cấp học này là nội dung chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Vì thế môn lịch sử nằm trong nhóm môn học lựa chọn.

Theo đó, học sinh có thể chọn năm môn học từ ba nhóm môn học lựa chọn, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn. Các trường căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên để xây dựng các tổ hợp môn trong nhóm môn học trên để học sinh lựa chọn, trong đó có các tổ hợp xuất hiện môn lịch sử.

Theo giải thích trên, môn lịch sử không bị “xóa trắng” như dư luận lo ngại, ngoài những học sinh lựa chọn lịch sử theo định hướng lựa chọn ngành nghề ở bậc học cao hơn, những học sinh khác có thể chọn học thêm lịch sử vì yêu thích. Với phân hóa này, nếu môn lịch sử có sự chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp dạy học để hấp dẫn hơn thì sẽ thu hút nhiều học sinh tự nguyện học thay vì bị ép buộc hoặc chỉ “học để thi”.

Theo bạn, môn lịch sử trong trường học nên là môn tự chọn hay bắt buộc? Việc dạy học lịch sử trong nhà trường nên thay đổi như thế nào để thu hút học sinh? 

Nguồn <<Báo Tuổi Trẻ Onine>>

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.